SafeEntry quản lý ra vào địa điểm - Ứng dụng nhỏ, tác động to phòng chống dịch Covid
Với diễn biến mới đợt dịch Covid quay trở lại và Đà Nẵng trở thành tâm dịch, mình chợt nghĩ cách thức kiểm tra người ra vào các địa điểm, văn phòng, trung tâm thương mại... mà Singapore đang triển khai khi mở cửa đợt 2 Covid biết đâu có thể giúp các bộ ban ngành, đặc biệt là Bộ Y Tế và Bộ Thông tin truyền thông, lãnh đạo các tỉnh/ thành phố và doanh nghiệp, có thể có những ý tưởng và triển khai thiết thực?
Xin chia sẻ chi tiết hơn trong blog này:
- Ứng dụng SafeEntry triển khai như thế nào?
- Gợi ý khả năng áp dụng tại Việt Nam?
- Cho toàn quốc (đặc biệt là Bộ Y Tế)
- Cho từng tỉnh thành - thành phố thông minh
- Cho các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu tập trung đông dân cư...
- Cho các nhà mạng viễn thông, ngân hàng...
Mời các bạn cùng đọc và cho phản hồi nhé?
Ứng dụng này hoạt động thế nào?
Ứng dụng do Govtech (Singapore Government Technology Agency), Smart Nation và SG United phát triển trên cơ sở dữ liệu quản lý việc ra vào các địa điểm, hỗ trợ cho Bộ Y tế (MOH) để theo dấu và can thiệp để phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid.
SafeEntry là một hệ thống đăng ký (check-in) kỹ thuật số quốc gia ghi lại số định danh (NRIC / FIN) và số điện thoại di động của các cá nhân truy cập các điểm nóng, những nơi làm việc của các dịch vụ thiết yếu (mới được phép mở cửa trong pha 2), cũng như các địa điểm công cộng được chọn để ngăn chặn và kiểm soát việc truyền COVID-19 thông qua các hoạt động như theo dõi liên lạc và xác định các cụm lây nhiễm COVID-19.
Chính phủ cung cấp cho các doanh nghiệp, địa điểm khả năng tùy chỉnh để quét với thông tin của họ, miễn phí. Toàn bộ dữ liệu được thu thập và lưu trữ trong trung tâm dữ liệu riêng của chính phủ trong vòng 25 ngày - vừa đủ để Bộ Y tế (MOH) theo dõi, quản trị.
Các cá nhân kiểm tra việc vào/ ra mỗi địa điểm từ SafeEntry tại các điểm vào/ ra bằng một trong các phương pháp sau:
- Quét mã QR: Sử dụng ứng dụng SingPass Mobile, hoặc TraceTogether, dùng camera điện thoại hoặc ứng dụng quét QR để quét mã QR và điền thông tin cá nhân của bạn; hoặc
- Quét thẻ định danh (giống như CMTND của mình, nhưng họ có mã QR trên thẻ): Xuất trình mã vạch thẻ nhận dạng (NRIC - Thẻ công dân, thẻ Passion/ Pioneer/ Merdeka Generation, giấy phép lái xe, thẻ Transitlink, thẻ học sinh, thẻ làm việc, Singpass mobile, TraceTogether) để nhân viên quét. hoặc
- Chọn từ danh sách các địa điểm lân cận trên ứng dụng SingPass Mobile và chọn chức năng "SafeEntry Check in" để chọn địa điểm và check in.
Tất cả các doanh nghiệp và dịch vụ đang hoạt động phải triển khai SafeEntry cho nhân viên, đối tác và nhà cung cấp của họ.
Danh sách khuyến nghị các doanh nghiệp/ dịch vụ được phép hoạt động, các cơ sở/ địa điểm phải triển khai hệ thống SafeEntry để quản lý đăng ký vào/ra của khách hàng, sinh viên, người ra vào cơ sở của họ:
- Nơi làm việc, ví dụ: văn phòng, nhà máy
- Trường học và viện giáo dục
- Trường mầm non và trung tâm chăm sóc trẻ
- Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, ví dụ: bệnh viện, phòng khám, phòng khám Đông y, cơ sở chăm sóc sức khỏe bổ sung.
- Các cơ sở chăm sóc tại nhà và cộng đồng, ví dụ: nhà dưỡng lão, Trung tâm hoạt động cao cấp, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, Trung tâm hoạt động ban ngày dành cho người khuyết tật
- Cửa hàng làm tóc/ cắt tóc
- Siêu thị
- Các chợ ướt lớn (Chợ Geylang Serai, 104/105 Yishun Ring Road (Chợ Chong Pang), Đường 20/21 Marsiling Lane và Block 505 Jurong West Street 52)
- Trung tâm thương mại
- Khách sạn
- Những nơi thờ tự, địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng.
- Ngân hàng và tổ chức tài chính
- Nhà tang lễ
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ thú cưng cơ bản (không hoạt động trên cơ sở thả, đón)
- SafeEntry đã dần dần được triển khai cho taxi từ ngày 12/5/2020 để hỗ trợ tốt hơn các nỗ lực truy tìm dấu vết cho các chuyến đi trên đường phố. Tất cả những người đi làm trên taxi nên quét mã QR SafeEntry được triển khai trong taxi khi thực hiện các chuyến đi trên đường phố.
Các cửa hàng bán lẻ nơi khách hàng không có khả năng ở gần nhau trong một thời gian dài, chẳng hạn như nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi được khuyến khích, nhưng không bắt buộc, triển khai SafeEntry cho khách hàng. Hiện tại, các cửa hàng ăn uống cũng không bắt buộc phải triển khai SafeEntry bởi họ chỉ mở cửa để giao hàng.
Tất cả các cơ sở gồm các cửa hàng bán lẻ và ăn uống vẫn phải triển khai SafeEntry cho nhân viên, cộng sự và nhà cung cấp cho tất cả các địa điểm, chi nhánh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp quản lý an toàn khác, như giữ khoảng cách an toàn.
Khả năng áp dụng tại Việt Nam:
Như vậy, việc theo dõi dữ liệu này rất có lợi cho Bộ y tế và các cơ quan quản lý, lại tiết kiệm được thời gian, công sức, đặc biệt là nhân lực vốn đã khan hiếm và đắt đỏ để hỗ trợ việc phòng, chống và quản lý thời Covid.
Mình nhìn thấy rất nhiều khả năng áp dụng cho Việt Nam ở gần như mọi cấp độ. Nhìn lại tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và truy cập internet rất lớn, và năng lực công nghệ tốt. Có nhiều sản phẩm dịch vụ mà nếu được kiểm soát sẽ vẫn có thể tiếp tục hoạt động an toàn.
Trong ba cách triển khai thì trừ khi Bộ công an triển khai số hóa các giấy tờ định danh, còn lại mình nghĩ cách phù hợp nhất là quét mã QR.
Thay vì lập tức cấm và cách ly xã hội hoàn toàn (nhà nào ở trong nhà nấy), chính quyền có thể cân nhắc từng bước và triển khai việc quản lý số người tối đa trong nhóm và tại mỗi địa điểm để các đơn vị vẫn được hoạt động trong khi vẫn đảm bảo an toàn với ứng dụng này.
Cấp độ tỉnh/ thành phố
Đây là cấp độ mà mình nghĩ tiềm năng sẽ là thuận lợi nhất. Lãnh đạo tỉnh thành phố có thể phối hợp với Sở y tế và Sở thông tin truyền thông, cùng phát triển ứng dụng này (khéo có thể chỉ trong một đêm?) và cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trên địa bàn.
Như vậy Sở Y tế có thể có được ngay các dữ liệu và nếu có phát hiện trường hợp dương tính F0 nào cũng dễ dàng theo dấu để tìm ra F1, F2... Hơn nữa nếu dữ liệu này là ngay tức thì (real time), họ cũng kiểm soát dễ dàng nơi nào đang đông đúc tập trung cao và điều tiết hợp lý.
Cấp độ trung ương/ toàn quốc
Đây là quy mô mà nếu làm được thì sẽ vô cùng tuyệt vời, tránh việc phải đóng cửa hoàn toàn, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng. Nếu có thể kết hợp triển khai với dự án cơ sở dữ liệu, quản lý số hóa các giấy tờ định danh (CMTND, giấy phép lái xe, hộ chiếu...) giống như số hóa sổ hộ khẩu mà Bộ Công An đang triển khai thì sẽ rất tốt cho cả chính phủ điện tử, cho doanh nghiệp và người dân.
Các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng, khu dân cư tập trung đông
Bản thân các tổ chức, doanh nghiệp này nếu chủ động triển khai ứng dụng kiểm tra việc ra vào cũng có thể dễ dàng quản trị được hoạt động hiệu quả hơn, biết được gần như tức thì (real time) phân tích thông tin chi nhánh/ cơ sở nào đang bị đông người, quá tải, lại sát sao với khách hàng (tưởng tượng mã khách hàng và cung cấp SĐT) - rất tiện để chăm sóc hay có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, lại hoàn thành được trách nhiệm xã hội trong việc phòng chống dịch Covid. Rất mong các anh chị CIO/ CTO/ CDO cân nhắc phương án này.
Ví dụ quán sushi mình ăn có ứng dụng triển khai:
Các nhà mạng viễn thông, các ngân hàng
Nếu có thể khuyến khích và ghi nhớ tự động để tích hợp ứng dụng thuận tiện này cho khách hàng và "chào bán" như một nền tảng giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình... với năng lực công nghệ hạn chế, chắc hẳn sẽ ghi điểm trong dịch vụ của mình.
Mong được nghe phản hồi, đóng góp và gợi ý từ các anh chị trong phần bình luận bên dưới!
Nhận xét