Softbank và hành trình chuyển đổi sang Hệ sinh thái số - Chiến lược Chuỗi các số 1 (Cluster of Number 1 Strategy)
Chiến lược chuyển đổi số Cluster of No. 1 Strategy của Softbank. Nguồn: Softbank |
Sau khi bài viết "Digital telco: Chuyển đổi số nhà mạng viễn thông (CSP) sang Nhà cung cấp dịch vụ số (DSP)" được xuất bản, trong các ý kiến phản hồi có gợi ý Blog Chuyendoi.so nghiên cứu mô hình của Softbank, bởi nó đã vượt xa khái niệm DSP và trở thành một hệ sinh thái rồi! Bên cạnh bài học kinh nghiệm từ Singtel, xin được gửi tới quý độc giả ví dụ thú vị này!
Tư duy chuyển đổi số: Cluster of No. 1 Strategy (Chiến lược Chuỗi số 1)
Trong báo cáo thường niên tháng 3/2018, Softbank có chia sẻ rất rõ ràng về định hướng chiến lược Cluster of No. 1 Strategy (Chiến lược Chuỗi/ tập hợp số 1), ý tưởng chính ở đây là tập trung vào việc đầu tư vào chuỗi các đơn vị đi đầu, số 1 trong các ngành.
Khởi nguồn cho phân tích này là quan sát của Softbank về quy trình tiến hóa của loài người, của vũ trụ và các cuộc cách mạng. Họ muốn nhân rộng khái niệm từ tự nhân bản trong gen - cốt lõi cho sự sinh sôi, phát triển, tăng trưởng, sang tự biến đổi - tức là đầu tư vào thứ cốt lõi tạo ra sự khác biệt và thành công cho đơn vị đi đầu trong từng ngành, để chúng tự nhân bản sang các ngành khác và tự chuyển đổi để thành công trong tương lai. Quả là quá chính xác khi nói về tư duy tăng trưởng số và công nghệ!
Softbank nhìn nhận cuộc cách mạng nông nghiệp sang công nghiệp và hiện nay là công nghệ thông tin, và liên hệ với quá trình chuyển đổi từ máy tính (PC) sang internet và tới đây là Trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence) là những nhân tố quan trọng thúc đẩy các cuộc cách mạng. Do vậy, Softbank đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào các mảng này. Softbank tin rằng đây là cấu trúc tổ chức giúp tăng trưởng liên tục trong 300 năm và trong tương lai.
Chiến lược của Softbank vì thế chuyển đổi hoàn toàn từ tập trung trong ngành lõi ban đầu của họ là viễn thông sang tập đoàn đầu tư, nhắm tới tỷ lệ đầu tư khoảng 20-30% vào mỗi doanh nghiệp đi đầu trong đa dạng các ngành. Để số hóa phần lõi, họ chuyển 97% chi tiêu cho vận hành sang 97% cho đầu tư. Vì mình đã biết về hệ sinh thái, mình thấy SoftBank quá"thông minh" trong việc đi tắt đón đầu, quản lý danh mục đầu tư, cân bằng rất hiệu quả khai thác và khám phá, đem lại các tăng trưởng số mới bền vững, để đưa mình thành trung tâm vũ trụ của các hệ sinh thái trong tương lai!
Cơ hội tăng trưởng mới khi tiến gần hơn đến Vị thế Độc tôn đồng nhất (Singularity)
Cấu trúc tổ chức của Softbank tháng 3/2018. Nguồn: SoftBank |
SoftBank đã phát triển bằng cách dự đoán những thay đổi về mô hình trong công nghệ và xây dựng doanh nghiệp để tận dụng thời đại tiếp theo.
Cấu trúc hiện tại của SoftBank vẫn phủ rộng các mảng khác nhau như SoftBank quỹ đầu tư, Spint về viễn thông, Yahoo Japan về quảng cáo, thương mại điện tử, dịch vụ thành viên, Brighstar trong việc phân phối thiết bị di động, Arm trong các bản quyền xử lý vi mô và phần mềm, v.v.
Giữa những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, mô hình kinh doanh và nhu cầu thị trường của ngành công nghệ thông tin, đầu tư là một cách quan trọng để nắm bắt cơ hội tăng trưởng trước các công ty khác. Tập đoàn xem xét đầu tư một chiến lược tăng trưởng quan trọng. Đầu tư sớm vào các thị trường tăng trưởng tiềm năng, Công ty đã hỗ trợ sự tăng trưởng của các nhà đầu tư. Softbank cũng tích lũy kiến thức chuyên môn đa dạng thông qua các hoạt động đầu tư, điều này đã thúc đẩy sự phát triển của toàn Tập đoàn. Năm 2000, Tập đoàn đầu tư vào Alibaba của Trung Quốc, tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khổng lồ trong những năm tiếp theo, giúp đảm bảo và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu hiện nay.
Softbank tin tưởng vào "vị thế độc tôn đơn nhất" (Singularity), khi mà trí tuệ nhân tạo (AI) vượt quá trí thông minh của con người, sẽ diễn ra trong thế kỷ này, gây ra sự thay đổi mô hình lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Sự xuất hiện của Singularity sẽ định nghĩa lại tất cả các ngành, và dự kiến sẽ mở rộng đáng kể các cơ hội kinh doanh hiện có và tạo ra những cơ hội mới. Để nắm vững những cơ hội to lớn này, Quỹ Tầm nhìn SoftBank (SoftBank Vision Fund) được thành lập.
Softbank Vision Fund - Quỹ Tầm nhìn SoftBank
Danh mục đầu tư của Quỹ Tầm nhìn Softbank (Softbank Vision Fund) (tháng 03/2018). Nguồn: SoftBank |
Trong tháng 5 năm 2017, Quỹ Tầm nhìn Softbank (Softbank Vision Fund) hoàn thành đợt đóng cửa đầu tiên với hơn 93 tỷ USD vốn cam kết. Mục đích của quỹ là nhằm tạo ra các khoản đầu tư dài hạn, quy mô lớn trong các công ty và các hoạt động kinh doanh nền tảng có tiềm năng tạo ra các thế hệ đổi mới tiếp theo. Các hoạt động của Quỹ bao phủ rất rộng, từ các công ty khởi nghiệp tới các tập đoàn lớn, các công ty tỷ đô đang tìm kiếm các khoản đầu tư lớn để tài trợ cho việc tăng trưởng, bất kể các công ty có niêm yết hay không hoặc chia sẻ cổ phần. Quỹ cũng tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ, bao gồm IoT (internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) và robot. Quỹ đầu tư với tầm nhìn dài hạn, với thời gian đầu tư ít nhất là 5 năm và thời hạn quỹ ít nhất 12 năm.
Softbank Group cam kết đầu tư lên tới 28 tỷ đô la, bao gồm cả những khoản đóng góp bằng hiện vật. Các đối tác khác bao gồm Quỹ đầu tư công của Vương quốc Ả Rập Saudi, Công ty đầu tư Mubadala của United Arab Emirates, Apple, Tập đoàn Công nghệ Foxconn, Qualcomm Incorporated và Sharp Corporation.
Quỹ được điều hành bởi một công ty con của SoftBank Group mang tên SoftBank Investment Advisers, do ông Rajeev Misra là Giám đốc điều hành của SoftBank Investment Advisers kiêm thành viên của Ủy ban Đầu tư của Quỹ. Ông sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các giao dịch của Quỹ, được hỗ trợ bởi một nhóm toàn cầu giàu kinh nghiệm làm việc ngoài văn phòng tại London, San Carlos ở Hoa Kỳ và Tokyo.
Một số công ty trong danh mục đầu tư
Quả đúng theo chiến lược, đầu tư vào các đơn vị đi đầu trong các ngành khác, SoftBank như một "cá mập", không ngại chi tiền vào các đơn vị mà họ đánh giá là có tiềm năng.
- wework: mạng lưới các không gian làm việc chung toàn cầu. Doanh thu năm 2014 là 74 triệu USD tới năm 2017 là 886 triệu USD, tức là tăng trưởng CAGR là 129%. wework được định giá 20 tỷ USD, cũng đang bắt đầu bước vào thị trường Việt Nam trong tháng 9/2018.
- paytm: đơn vị đẫn đầu trong mảng thanh toán tại Ấn Độ. CAGR cho tổng khối lượng thanh toán đạt 198%. Hẳn là SoftBank không thể bỏ qua mảng fintech được rồi!
- Oyo: mạng lưới khách hàng số 1 Ấn Độ. Số lượng đêm được đặt phòng từ 2015 là 4,6 triệu đã tăng lên 16,4 triệu trong năm 2017, và CAGR đạt 90%. Số lượng phòng đã tăng 250 lần trong 7 tháng, lên hơn 10.000 phòng vào tahngs 5/2017.
- AutoGroup: nhà phân phối xe cũ lớn nhất châu Âu có CAGR 163%, tổng doanh thu khoảng 2 tỷ EUR năm 2017.
- Compass: nền tảng công nghệ cho bất động sản đem lại CAGR 175% theo giá trị giao dịch gần 15 tỷ đô USD năm 2017.
- Full Truck Alliance là nền tảng kết nối giữa lái xe tải và hàng hóa cần chuyên chở lớn nhất Trung Quốc. Ứng dụng trên di động cho phép theo dõi thông tin về hàng hóa, thông tin về xe, tuyến đường và vị trí xe. Con số tháng 12/2017 đã chỉ ra họ chiếm tới hơn 90% thị phần. Mức tăng trưởng người dùng đạt 54% so với cùng kỳ năm trước, từ 1.9 triệu tháng 3/2017 lên 2,9 triệu tháng 3/2018.
- Về mảng chia sẻ xe đi chung, SoftBank đã đầu tư vào cả Uber (Mỹ), Grab (Châu Á), Didi ở Trung Quốc và Ola ở Ấn Độ. Tổng khối lượng giao dịch đem lại CAGR 108%. Số lượng cuốc xe hàng ngày tăng 140% từ 6 chuyến năm 2015 lên 35 chuyến năm 2017.
- Cruise là khoản đầu tư khá mạo hiểm vào xe tự lái. Theo báo cáo thì khoản đầu tư vào GM Cruise vẫn chưa được chốt do còn chờ phê duyệt về chính sách nội bộ của SoftBank (03/2018).
Thành lập một nhóm các công ty cùng chí hướng
Softbank Group: Thành lập một nhóm các công ty cùng chí hướng |
SoftBank Group định hướng quỹ trong việc hoạt động để đi tới thành công, tối đa hóa lợi nhuận và hiện thực hóa tăng trưởng bền vững với tư cách là đối tác hạn chế của Quỹ. Hơn nữa, ngoài việc kết nối vốn với các nhà đầu tư và các hình thức khác, Softbank hướng đến việc đẩy mạnh cuộc cách mạng thông tin hơn nữa bằng cách hình thành một nhóm công ty những người cùng chí hướng với niềm đam mê chia sẻ cho “Cuộc cách mạng thông tin - Hạnh phúc cho mọi người”. SoftBank kỳ vọng trở thành công ty sẽ tạo ra tác động lớn nhất tới nhân loại trong 300 năm, đóng góp vào cuộc cách mạng con người.
Liệu Vintech/ Vingroup hay Viettel có trở thành SoftBank tiếp theo?
Đọc tới đây và khi nghe về những động thái gần đây của Vingroup như tham vọng trở thành tập đoàn công nghệ dẫn đầu năm 2028, mở rộng các mảng đầu tư rất đa ngành ngoài ngành lõi là bất động sản: thương mại điện tử, giáo dục, y tế, nông nghiệp thông minh, vận chuyển logistics... rồi sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, v.v. mình bỗng thấy giống tư duy hệ sinh thái của SoftBank quá chừng! Sự khác biệt lớn nhất có lẽ vẫn là phạm vi hoạt động của Vingroup vẫn đang là ở Việt Nam - nhưng - liệu rằng trong 3-5 năm tới và dài hơi hơn là 10 năm tới, Vingroup có đi theo chiến lược Singularity này và trở thành SoftBank tiếp theo?
Viettel - đơn vị đang dẫn đầu thị trường viễn thông Việt Nam và mở rộng nhanh chóng sang các nước khác (hiện đang là 10 quốc gia trên toàn cầu, trong tốp 40 nhà mạng quốc tế), nhưng xem ra vẫn còn đang loay hoay với chiến lược chuyển đổi số và còn khá chậm chạp sang các thị trường liền kề. SoftBank hẳn cũng là một mẫu mô hình tốt - nhưng Viettel sẽ vướng bởi không thể đầu tư mạo hiểm do vẫn là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Quốc phòng!
Hệ sinh thái số của Việt Nam sẽ được dẫn dắt đi theo hướng nào? Định hướng mà chính phủ, bộ trưởng bộ thông tin truyền thông đưa ra liệu có ảnh hưởng tới luật chơi của các đơn vị và đưa Việt Nam tới một "hệ sinh thái" lành mạnh? Đây sẽ là một câu hỏi mở khó trả lời!
Mình thích câu nói "Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó", và hồi hộp chờ xem các ông lớn và các đơn vị công nghệ ở Việt Nam sẽ "tạo dựng tương lai" và "hệ sinh thái số Việt Nam" như thế nào?