Trend 3: IoT (Internet of Things): Internet vạn vật
IoT (internet vạn vật) trong chuyển đổi số |
Hãy nhìn xung quanh. Bạn thấy có bao nhiêu thiết bị được kết nối với internet? Điện thoại di động, máy tính, TV của bạn, đồng hồ, có thể cả xe hơi hay tủ lạnh nữa. Ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối với Internet và với nhau. Giờ đây chúng ta có thể dùng điện thoại để theo dõi hầu như toàn bộ ngôi nhà của mình: nhiệt độ, khả năng bị trộm, ánh sáng, v.v. từ bất cứ nơi nào và ngay lập tức. Thậm chí các đồ đạc cũng có thể giao tiếp với nhau và tự động điều chỉnh. Bên ngoài, mọi thứ cũng trở nên kết nối: đèn giao thông, hệ thống đo điện, nước. Sự kết nối này đang được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp, giao thông, sản xuất và trên mặt của cuộc sống.
Định nghĩa
Điều gì đằng sau những kết nối đó? Internet of Things là gì? Đó là một mạng lưới các vật được kết nối, có thể tạo ra một hệ thống nhận thức, tự quản lý và hành động.
Ví dụ như một chiếc xe tự lái. Chúng phân tích các dữ liệu đầu vào do mọi bộ phận trên xe có kết nối internet, định vị GPS và camera, từ đó giúp xe "nhận thức" môi trường xung quanh, biết được vị trí của mình trên bản đồ, giao tiếp với các xe khác qua một máy chủ trung tâm, kiểm tra các điều kiện giao thông trên tuyến đường. Chúng tự quyết định sẽ rẽ trái hay phải, tới đâu, khi nào tiếp, và từ đó chuyển tải thành các lệnh cho động cơ, phanh, v.v. để xe chạy. Hệ thống này nói chung khá phức tạp với nhiều thành phần tương tác với nhau.
3 lớp tương tác trong IOT: Sự vật, nền tảng, dịch vụ |
Đơn giản hóa một chút nhé? Hãy tưởng tượng có ba lớp khác nhau tương tác với nhau mọi lúc. Lớp đầu tiên là đối tượng, sự vật được kết nối. Rada, camera, thiết bị định vị, đồng hồ, phanh, tay ga, v.v. tất cả đều tương tác với nền tảng trung tâm có thể tổng hợp dữ liệu và quyết định sẽ làm gì với dữ liệu đó. Đó là lớp thứ hai. Mặt khác, ở lớp thứ ba, một vài dịch vụ có thể hiểu dữ liệu được tổng hợp bởi nền tảng và chuyển nó thành hành động. Giữa các lớp, dữ liệu liên tục được trao đổi bằng cách sử dụng mạng, có thể là Wi-Fi, vệ tinh, mạng cố định hay di động.
Động lực
Dữ liệu từ đó sẽ được xử lý, truyền tải và lưu trữ. Nghe quen quá phải không? Công nghệ cần thiết cho mỗi hoạt động này ngày càng ổn định, rẻ hơn, tiêu thụ ít năng lượng và đem lại năng suất cao hơn. Đó là động lực cho ngày càng nhiều thiết bị được kết nối, và từ đó thúc đẩy IoT trong những năm gần đây và thời gian tới.
Số lượng các sự vật kết nối được dự báo sẽ tăng 30%/năm tới năm 2025. Điều này có nghĩa là vào năm 2020, chúng ta sẽ có từ 50 đến 75 tỷ đối tượng kết nối. Nghĩa là, sẽ có khoảng 7-10 thiết bị/ người. Nó sẽ đem lại sự gia tăng tổng chi tiêu khoảng 250 tỷ đô la xuyên suốt các ngành. Tất cả các ông lớn trong mảng công nghệ đều đã cung cấp các giải pháp IoT, và cả các đơn vị truyền thống, như các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích, nhà mạng.
Tác động kinh doanh và các bài toán sử dụng
Vậy điều gì thúc đẩy việc áp dụng IoT?
BCG đã thực hiện một nghiên cứu thú vị xuất bản tháng 1/2017 mang tên "Winning in IoT: It’s All About the Business Processes" (mình có đưa link bên dưới để các bạn đọc).
Phát hiện đầu tiên của họ là tăng trưởng IoT được thúc đẩy bởi các kịch bản ứng dụng (use case scenarios) chứ không theo ngành. Nhiều áp dụng không chỉ cải thiện từng bước các vận hành hiện tại mà còn tạo ra các sản phẩm sáng tạo hay thậm chí các mô hình kinh doanh chưa thể thực hiện trước đây.
Điều tuyệt vời hơn nữa là nhóm nghiên cứu đã xác định một loạt các trường hợp sử dụng IoT và chọn ra 10 ứng dụng từ một danh sách dài theo mức độ tiềm năng, được đầu tư cao nhất và thời gian dưới 5 năm.
Ten use cases will drive IoT growth through 2020. Nguồn: BCG |
Chúng ta hãy xem xét ba ứng dụng trong số đó nhé. Nếu bạn từng học tập hay làm việc ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, bạn có thể biết việc sản xuất điện chịu nhiều áp lực trong những giai đoạn cao điểm như mùa đông. Các thiết bị thông minh có thể đồng bộ với mạng lưới và tìm ra thời điểm thích hợp để vận hành, tùy theo tổng cung và cầu. Hay ngành điện, nước có đồng hồ thông minh để theo dõi và tối ưu hóa mức tiêu thụ điện, nước của mình. SP Group, đơn vị quản lý tiêu thụ điện, nước, rác của Singapore cũng gửi tới các lời khuyên về tiết kiệm điện nước dựa trên phân tích dữ liệu tiêu thụ của từng hộ gia đình, hàng xóm và toàn quốc. Họ ước tính nếu các hệ thống điều hòa tổng tự động tắt khi không có người trong các văn phòng, tiết kiệm điện năng có thể tới 40%. Các ứng dụng khác là quản lý đội xe, theo dõi, kiểm kê tự động, bảo trì dự đoán, tối ưu hóa sản xuất và kết nối ve tự lái. Các bệnh viên, y tá có thể theo dõi bệnh nhân từ xa có thể mất nhiều thời gian hơn để được triển khai rộng rãi. Hẳn bạn cũng thấy danh sách khá dài và đa dạng phải không? Và sẽ còn nhiều điều hay ho nữa trong vòng 5-10 năm tới.
Bạn cũng có thể thấy chúng không phân bổ đều giữa các ngành. 50% đầu tư vào IoT dự kiến được tạo ra bởi 3 ngành chính: Sản xuất rời rạc (Discrete Manufacturing, hay sản xuất đơn, là ngành sản xuất dựa trên lệnh sản xuất), giao thông hậu cần (transportation & logistics), tiện ích (utility, điện, nước, ga...).
Nhìn chung, IoT vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự trưởng thành. Nhiều đơn vị vẫn đang cố gắng áp dụng và giành chiến thắng trong cuộc chiến nền tảng. Các câu hỏi chính mà các công ty cần vấn là khả năng hoạt động (operability). Nền tảng họ đang sử dụng ngày nay có thể tương tác với những người khác trong tương lai không? Nhiều dự báo cũng cho thấy cuộc chiến IoT sẽ chỉ còn lại rất ít đơn vị cung cấp nền tảng. Hiện năm 2017 thống kê có khoảng hơn 400. Thực tế chỉ là một số ít trong đó tồn tại. Họ sẽ cần liên kết một cộng đồng lớn các các lập trình viên AI với các ứng dụng xung quanh.
Nếu anh chị đang tìm kiếm nền tảng dữ liệu để ứng dụng? Hãy bắt đầu với một kiến trúc theo mô-đun và các API dễ sử dụng, có thể chuẩn bị cho công ty tích hợp với các hệ sinh thái IoT trong tương lai cũng như ứng dụng của các nhà cung cấp dịch vụ khác.
Nguồn tham khảo
- Internet of Things khóa học Digital Transformation trên Coursera
- Nghiên cứu Winning in IoT: It’s All About the Business Processes
Chuỗi bài về xu hướng công nghệ
Trends 0: Các xu hướng công nghệ số cần lưu ý
- Big Data/ Dữ liệu lớn
- Shift to the Cloud/ Chuyển dịch lên Điện toán đám mây
- Internet of Things/ Internet vạn vật
- Additive Manufacturing/ Sản xuất bồi đắp hay còn được biết tới với tên khác là in 3D (3D printing)
- Cyber Security/ An ninh mạng
- Artificial Intelligence/ Trí tuệ nhân tạo
- Blockchain/ Công nghệ blockchain
- Kết hợp các xu hướng (How It All Fits Together) - Autonomous car (Xe tự lái), Drone (máy bay không người lái), Virtual Reality/ Augmented Reality (VR/ AR, thực tế ảo), v.v.
Nhận xét