Công nghệ giải quyết tình trạng tội phạm ở TP HCM?
HCMC social crimes & tech solutions |
Thưa bác Nhân, bác Phong, và các lãnh đạo khác của TP HCM,
Sự việc xảy ra đêm chủ nhật vừa rồi khiến hầu hết mọi người đều cảm thấy bất an, hoảng hốt, đau lòng. Một nhóm cướp 4 tên đi trên 2 xe máy Exciter 150 cướp xe SH đã hung hãn ra tay cướp đi sinh mạng 2 hiệp sĩ, 1 dân thường và làm nhiều người khác bị thương nặng.
Gạt đi nước mắt đau thương và bức xúc, giờ người dân chờ được thấy các hành động thiết thực của các bác - ý cháu không phải là đề xuất mua hàng nghìn áo giáp Tàu cho hiệp sĩ đâu bác nhé!
Dưới góc nhìn công nghệ, cháu xin hiến vài kế để các bác tham khảo.
Bác chỉ cần hô một câu là yên tâm có cả triệu người hiến kế ở các mảng khác nhau và đóng góp nguồn lực, chứ hầu hết chưa cần các bác phải bỏ một cục ngân sách ra ngay đâu! Nói như vậy cũng để chia sẻ quan điểm của cháu là nên hợp tác công tư/ xã hội hóa (PPP), và huy động trí tuệ nhân dân, tập thể, của cộng đồng.
1. Định vị/ khoanh vùng đối tượng tội phạm với GPS, GIS (Mapping)
Sử dụng các thông tin theo định vị sẽ khá hữu ích cho lãnh đạo thành phố trong việc xử lý các tình huống không chỉ về tội phạm mà cả các công tác khác như phòng cháy chữa cháy, điều phối giao thông, ứng cứu, tổ chức sự kiện lớn...
Các thông tin dạng dữ liệu này ngay tức thì (real time) sẽ cho phép những người liên quan biết được tội phạm đang diễn ra ở đâu, vị trí nào, loại tội phạm nào, và nếu tổng hợp trong cả bức tranh lớn, ta sẽ xác định được các điểm nóng, diễn biến (pattern) và tập trung việc điều tra cũng như cải thiện tình trạng phạm tội từ nguyên nhân gốc của nó. VD: có nghiên cứu mấy năm trước chỉ ra tình trạng ăn cắp vặt phổ biến ở một số quận do bần cùng hóa (nghèo quá mà làm liều) và trẻ hóa, sau khi có trường dạy nghề và công ăn việc làm thì giảm hẳn tình trạng này.
Về giải pháp, bác có thể hỏi các nhà mạng, các cty công nghệ, quảng cáo, giải trí, game mobile... họ đều có thể cung cấp (1 phần hoặc rất nhiều) dữ liệu này. Hoặc cung cấp wifi miễn phí và ai dùng thì cần đồng ý cung cấp một số dữ liệu nhất định.
2. Xử lý thông tin, dự báo và phòng ngừa (Predictive Policing)
Quan trọng hơn là thông tin có quá nhiều, các bác sẽ cần khả năng xử lý thông tin, cần thuật toán thông minh. Ở nhiều nước trên thế giới, họ tổng hợp thông tin, dữ liệu dưới nhiều hình thức (video, ảnh, tin nhắn, thoại...) từ nhiều nguồn (mobile apps, CCTV, dữ liệu quá khứ, v.v.) để xác định trước hết là các hành vi đáng ngờ (suspicious behaviors) và khuyến khích người dân báo (report). Dựa trên đó, công an xử lý và đưa ra các phân tích cũng như tiến hành các giải pháp ứng cứu và trấn áp hiệu quả hơn nhiều. Cái này thì ta cứ xem cách các nước chống khủng bố là học được rất nhiều.
3. Xây dựng mobile apps cho điện thoại thông minh
Hầu hết mọi người đều dùng điện thoại thông minh. Nhiều người còn chụp ảnh, quay phim, livestream khi hàng xóm láng giềng, người thân, thậm chí chính mình tham gia đánh nhau, ẩu đả, hay khi gặp tai nạn. Thế nên chắc cũng không khó gì để họ chia sẻ các thông tin trên app, mạng xã hội. Nhiều thông tin rất hữu ích như ảnh chụp mặt đối tượng, biển số xe, giọng nói (trong ghi âm), v.v.
Về cơ chế, app này có thể có các tính năng như: liên kết với các mạng xã hội như facebook, zalo, report (trình báo), với 113/114/115/ VOV Giao thông (miễn phí), hiện vị trí các chốt công an, ủy ban nhân dân, tổ dân phòng gần đó, có chuông hoặc tín hiệu cảnh báo cho những người xung quanh (VD: vụ án xảy ra trên đường CMT8, Q3 thì các chốt công an, giao thông quanh đó đều được cảnh báo để chặn).
Ở Singapore chẳng hạn, mỗi năm có khoảng 1.400 ca trụy tim ngoài đường. Trong vòng 5 năm, số ca được trợ giúp bởi chương trình CPR (huy động cộng đồng trợ giúp) (đào tạo, hỗ trợ điện thoại, mobile apps) tăng từ 22% lên 42% và tỷ lệ sống sót tăng từ 2,5% lên 11%. Bác có thể tham khảo: myResponder, AED... trên appstore hoặc Google Play.
Nếu nghe có vẻ phức tạp quá, bác cứ tổ chức một cuộc thi, anh em làm mobile apps ở Sài Gòn, trên cả nước và trên toàn cầu sẵn lòng demo. Bác cứ thu lượm trong hàng trăm nghìn ý tưởng và cho triển khai khung hay dạng nền tảng (platform) thì rất nhiều người sẽ làm vô số thứ hay ho hữu ích cho dân.
4. Liên kết nguồn lực xã hội (Mobilize social resources)
Trên các ứng dụng hay nguồn lực trên mạng (miễn phí) nên công bố các thông tin, nguồn lực mà dân có thể "nhờ" như: các chốt công an, ủy ban nhân dân xã phường, tổ hội nhóm an ninh, dân phòng, v.v. Nhiều khi ở các khu vực đó nên có trang bị "vũ khí phòng vệ" cơ bản để trấn áp tội phạm như hơi cay, súng cao su, dây xích, còng, v.v. Nếu công bố rộng rãi khó thì có thể xây dựng dạng cộng đồng riêng mà các hội nhóm hiệp sĩ hoặc tổ chức do dân xây dựng mới được tiếp cận các hỗ trợ này.
5. Tăng cường trang bị hạ tầng: camera theo dõi ở các điểm nóng hoặc quan trọng (CCTV), tăng cường đèn chiếu sáng...
Giải pháp này chắc sẽ tốn chi phí nên cần có chọn lọc với CCTV. Quay lại, rất cần có bức tranh tổng thể để hiểu TP HCM đang bị vướng ở những khu vực nào nhất, hay những vấn đề nào nổi cộm để có đầu tư cho đúng, không phải chỗ nào cũng đặt.
6. Khuyến khích các đề xuất từ cộng đồng (Community-based organization)
Nên có các trao đổi và lắng nghe đề xuất từ chính người dân và các cộng đồng (thôn xóm, tổ dân phố...) về các vấn đề mà họ lo ngại nhất, giải pháp đề xuất và nguồn lực đóng góp. Mô hình "hiệp sĩ đường phố" cũng là một mô hình tự phát. Có thể các mô hình như các tổ dân phòng, "an ninh khu phố", các lớp học trang bị kỹ năng phòng vệ, huy động các hội nhóm tham gia với thế mạnh của mình (hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội các lái xe ôm, hội Grab bike....), chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.
7. POC/ trình diễn từ các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ & bài học thế giới (case study)
Bác muốn nghe thử một số giải pháp tổng thể hay bài học trong/ ngoài nước? Bác chỉ cần gọi vài công ty công nghệ lớn (nội địa: FPT, Viettel, CMC,... hay nước ngoài: Google, Facebook, Microsoft, IBM, Oracle...) là sẽ biết rất nhiều giải pháp, xem một số mô hình các thành phố an toàn trên thế giới như Tokyo, Singapore, Hong Kong, v.v. và chỉ cần nhặt nhạnh 3-5 giải pháp bác thích cho TP.
Cũng còn một số giải pháp công nghệ cao chuyên ngành công an, quốc phòng mà xin phép không đề cập trong bài viết này.
Mong sẽ được nghe thêm cao kiến và gợi ý từ các anh chị khác!
Một vài thông tin từ phân tích của công an:“Tình trạng người nghiện ma túy chiếm 30-50% tội phạm gây án, chủ yếu là cướp giật. Trong khi đó chính sách với người nghiện thì không được như xưa. Hồi ông Nguyễn Minh Triết làm Bí thư Thành ủy TP HCM, chúng ta có những cái hay hơn", lời ông Minh.
Trả lờiXóaNgoài ra, theo tướng Minh, tình hình tội phạm gia tăng là do số lượng dân nhập cư tăng, không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ sẽ có nguy cơ tha hóa trở thành tội phạm.
http://m.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-anh/vu-hiep-si-bi-dam-cong-an-tp-hcm-hop-bao-thong-tin-chinh-thuc-451031.html
Bài viết thì hay nhưng trước khi đề xuất nên nhìn lại ngân sách, hạn chế về hạ tầng kĩ thuật cũng như con người. Đề xuất thì ai cũng đề xuất được, nhưng việc đi vào triển khai vận hành là 1 câu chuyện khác. Tôi thấy nhiều người cứ có 1 bài ca chuyển đổi số ca tới ca lui, họ nói những thứ công nghệ vĩ mô, những thứ công nghệ mang tính đột phá nhưng họ quên mất việc trình bày 1 lộ trình đủ khả thi để làm cũng như là các yếu tố khác.
Trả lờiXóa